ARNAUD: TỪ TƯỢNG PHẬT TỚI ĐIÊU KHẮC CHO ĐỜI

Phan
Tấn Hải


Nhà điêu khắc Arnaud
Nazare-Aga.
 
Bạn
có thể gọi Arnaud Nazare-Aga là một nhà điêu khắc, hay một lạt ma vào đời, hay
đơn giản, là một nghệ sĩ và là một cư sĩ. Một thời anh đã ngồi trong tu viện để
tạc các pho tượng Phật, tượng Bồ Tát, các trụ điêu khắc, và rồi anh rời tu viện
để bước vào đời, trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng trong thế giới tượng hình. Nói
kiểu tóm gọn theo văn phong báo chí thường gặp là: một nghệ sĩ Phật tử người
Pháp. Nhưng cuộc đời anh đầy những cơ duyên kỳ lạ. Bài viết này tổng hợp từ nhiều
báo, trong đó có Forbes, Time Out, Thai PBS World, The Phuket News…
 
Lời
tự giới thiệu của nhà điêu khắc Arnaud Nazare-Aga chỉ đơn giản vài đoạn trên
trang nhà riêng. Sinh năm 1965 tại Paris, Arnaud Nazare-Aga đã sinh khởi niềm
đam mê với kiến trúc và điêu khắc hiện đại từ khi còn thơ ấu. Anh thường xuyên
đi thăm viện bảo tàng cùng ba mẹ. Anh được giáo dục trong một cộng đồng Phật
giáo Tây Tạng ở vùng Burgundy, miền Đông nước Pháp, và học nghề đúc tượng thạch
cao nơi đây. Arnaud đã thiết kế và thực hiện nhiều tượng trang trí, chạm khắc
cho các ngôi chùa Phật giáo ở phương Tây, như chùa Temple of a Thousand Buddha
(Chùa Ngàn Vị Phật) gần thị trấn Autun (Pháp) và Paris. Nơi đây, anh đã cùng
các nghệ sĩ đến từ Bhutan thực hiện ba tác phẩm điêu khắc khổng lồ về Đức Phật
bên trong ngôi chùa này.
 
Sau
nhiều trải nghiệm sáng tác nghệ thuật khác nhau ở Châu Âu và Châu Á, anh đã
thành lập PAJ’Art Studio vào tháng 1/2011 tại Bangkok, thủ đô Thái Lan, nơi anh
bây giờ đang sinh sống. Vào năm 2012, Arnaud đã tạo ra một số bộ sưu tập với sự
cộng tác của vợ cũ, dưới tên chung của hai người là Artheline. Các bộ sưu tập
được biết đến với các tác phẩm điêu khắc Sumo, Hippop’Art, Whale Pop, Goril’Pop
và déesse vui nhộn, màu sắc rực rỡ và gợi cảm mang lại niềm vui như trẻ thơ cho
người xem. Vào năm 2015, triển lãm Hippop’Art tại khu Fullerton ở Singapore,
nơi hơn 40 tượng con hà mã chiếm đầy các khu vườn, sảnh đợi và bến cảng bên
ngoài của khách sạn.
 
Dự
án nghệ thuật quan trọng nhất của anh là tạo ra những tượng nghệ thuật chủ đề
"Hoàng Tử Bé" (Le Petit Prince) lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Pháp
nổi tiếng của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, một tác phẩm thơ mộng, mang ý
nghĩa thi ca và triết học, có vẻ như viết cho những người muôn đời giữ được tâm
hồn thơ trẻ. Anh tự giải thích về một số tượng làm đặc biệt trong dự án Hoàng Tử
Bé, rằng thông qua xúc giác, người khiếm thị có thể "nhìn thấy" các
tác phẩm điêu khắc của mình như một kiểu cảm nhận về thế giới nghệ thuật.
 
Thành
quả nghệ thuật của Arnaud Nazare-Aga đã được trưng bày tại Singapore như một phần
của lễ hội văn hóa Pháp, Voilah! Sau đó, cuộc triển lãm này được tổ chức tại Hồng
Kông, nơi bộ sưu tập dành cho người khiếm thị đã thu hút 124.000 lượt khách
tham quan trong 38 ngày. Và rồi, vào tháng 5/2016, hai cuộc triển lãm Hoàng Tử
Bé đã được trưng bày tại bảo tàng quốc gia ở Nam Hàn, Bảo tàng tỉnh Kyunggi
trong gần 5 tháng. Các tác phẩm điêu khắc đã được trưng bày tại Bảo tàng
Singapore Philatelic Museum trong 10 tháng, bắt đầu từ ngày 7 tháng 6/2018 cho
đến tháng 3/2019.
 
Một
trong những tác phẩm mới nhất của anh là Sumo Totem: ba tượng Sumo khác nhau được
đặt chồng lên nhau. Biểu tượng là sự ổn định và an toàn cho cái thứ nhất, cái
thứ hai là tâm hồn cởi mở và cái thứ ba là trên hết, tượng trưng cho sự phiêu
lưu của cuộc đời.
 
Arnaud
gần đây đã hoàn thành việc tạo ra Bộ sưu tập B’Pop, được trưng bày tại khách sạn
U-Sathorn Bangkok dưới dạng bản xem trước, trước khi được trưng bày tại
Fullerton Singapore vào tháng 9 cùng năm. Bộ sưu tập B’Pop bao gồm ba mẫu tượng
gấu ở các tư thế khác nhau: Dancing B, Sitting B & Lazy B. Mỗi mẫu có năm
kích cỡ và nhiều kiểu dáng.
 
Tác
phẩm của Arnaud Nazare-Aga đã được trưng bày tại nhiều hội chợ và phòng trưng
bày quốc tế ở Châu Á và Châu Âu trong nhiều năm qua. Các cuộc triển lãm chính của
anh trong năm 2018 là Art Stage Singapore, nơi anh trưng bày Totem Sumo cao
3,4m dưới dạng Tác phẩm nghệ thuật công cộng, AAF Milan và “Phía sau hoàng tử
bé” tại Bảo tàng Singapore Philatelic Museum.
 
Anh
cũng đã triển lãm hồi năm 2019 trong Venice Art Biennale, nơi anh đã trưng bày
một tượng Totem Sumo cao 4,5m hiện đang được trưng bày ở Brescia. Anh cũng đã
tham gia hội chợ nghệ thuật đương đại Art3f ở Brussels, Paris và Luxembourg.
 
Bạn
còn nhớ tới truyện Hoàng Tử Bé? Có một câu nói của con cáo nói với Hoàng Tử Bé,
"Người ta nhìn thấy rõ ràng chỉ bằng trái tim. Bất cứ những gì tinh yếu nhất
thì không thể thấy bằng mắt được." Những dòng chữ đó được nhà văn Antoine
de Saint-Exupéry viết năm 1943, và bây giờ ẩn tàng trong các pho tượng nghệ thuật
của Arnaud Nazare-Aga, nơi các pho tượng trở thành những khát vọng thơ mộng rực
rỡ của đời người.
 
Câu
chuyện kỳ lạ bắt đầu vào năm 2013 khi chàng nghệ sĩ Nazare-Aga nhớ lại một thế
giới của Hoàng Tử Bé. Nicolas Delsalle, tổng thư ký của Quỹ Antoine de
Saint-Exupéry Youth Foundation, đã đến xưởng vẽ của nghệ sĩ và sau đó yêu cầu
anh tạo ra các tác phẩm điêu khắc như một phần của dự án tiên phong để tái tạo
những bức tranh minh họa màu nước trong tiểu thuyết Hoàng Tử Bé thành các khối
điêu khắc để cho người mù có thể cảm nhận được với cuộc sống ở dạng ba chiều
xúc giác. Đây có thể là một trong những cuốn sách đầu tiên Nazare-Aga đọc khi
còn nhỏ, nhưng anh không chắc liệu mình có nên nhận nhiệm vụ hay không. Câu trả
lời trở nên rõ ràng khi bố của anh tình cờ tiết lộ với anh rằng ông nội là
Djibrail Nazare-Aga, đã quen biết tác giả cuốn sách, phi công Thế chiến II
Antoine de Saint-Exupéry, và thậm chí còn bay cùng nhà văn quá cố trên chiếc
máy bay Breguet XIV huyền thoại vào đầu thế kỷ 20. Thế rồi, anh quyết định nhiệm
vụ của mình là phải tái hiện một cách trung thực chính xác những gì
Saint-Exupéry mong muốn thể hiện khi viết cuốn tiểu thuyết thơ mộng này.
 
Thế
đó, những pho tượng mô tả lại cuốn tiểu thuyết Hoàng Tử Bé xuất hiện. Triển lãm
đầu tiên là tại Khách sạn Fullerton năm 2015, Bộ sưu tập nghệ thuật Hoàng Tử
Bé, trưng bày 14 tác phẩm điêu khắc bằng nhựa sợi thủy tinh tái hiện màu sắc của
các nhân vật và các hành tinh khác nhau trong Hoàng Tử Bé đã được đúc khuôn sau
đó lắp ráp, sơn và đánh vecni nhiều lần để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật cao
cấp, tất cả đều làm bằng tay. Buổi trình diễn cá nhân kết hợp với những bản thảo
quý giá từ di sản Antoine de Saint-Exupéry – d’Agay Estate chưa từng thấy ở
Singapore và một loạt ảnh lịch sử có nguồn gốc từ kho lưu trữ của Latécoère (một
công ty vận tải hàng không của Pháp được thành lập năm 1918 bởi Pierre-Georges
Latécoère), nơi nhà văn Saint-Exupéry từng làm phi công.
 

Triển lãm Hoàng Tử Bé ở
Singapore năm 2015.
 
Kéo
dài đến ngày 20 tháng 6/2015, cuộc triển lãm thứ hai, Hoàng Tử Bé Trong Bóng Tối
(Le Petit Prince dans le noir / The Little Prince in the Dark), diễn ra tại
Alliance Française de Singapour, trưng bày các tác phẩm điêu khắc tương tự,
nhưng lần này được sơn màu trắng huỳnh quang và đặt trong phòng tối. Được chiếu
sáng bằng đèn UV màu đen, chúng dường như phát sáng trong bóng tối và kèm theo
mô tả âm thanh kích hoạt chuyển động. Là một cuộc triển lãm nhằm nâng cao nhận
thức về người khiếm thị, những du khách sáng mắt có cơ hội được bịt mắt và được
khuyến khích chạm vào các tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tác phẩm điêu khắc (cả phiên
bản màu và phiên bản trắng) đều có sẵn trong một phiên bản giới hạn gồm tám bản
sao để bán ra, lợi tức sẽ dùng cho các dự án giáo dục của Quỹ nhằm hỗ trợ thanh
thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn trên thế giới.
Hoàng
Tử Bé được nhà văn Bùi Giáng, khi dịch ra tiếng Việt, đã gọi đây là "tác
phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất trong những tác phẩm của Saint Exupéry."
Tiểu thuyết này được nhiều người dịch ra tiếng Việt, trong đó có các dịch giả:
Trần Thiện Đạo, Bùi Giáng, Vĩnh Lạc, Nguyễn Thành Long, Trịnh Nhất Định, Nguyễn
Tấn Đại, Thuận Thiên, Châu Diên, Nguyễn Trường Tân, Trác Phong, Bùi Đại Dũng, Đỗ
Lan Hương. Nghĩa là, có 12 ấn bản Việt dịch khác nhau[*]. Ghi như thế để thấy sức
lôi cuốn của tiểu thuyết Hoàng Tử Bé.
Trong
truyện Hoàng Tử Bé, Saint-Exupéry kể nửa thật nửa hư, rằng nhà văn rơi phi cơ
vào sa mạc, đói và khát, sống với ảo giác. Sự thật ông đã từng rơi phi cơ vào
sa mạc năm 1935. Thế rồi, tác giả gặp một cậu bé từ hành tinh xa tới. Cậu bé kể
về tiểu tinh cầu B 612, nơi cậu ở chung với một con cáo và một cây hoa. Cũng
như tất cả những cô gái trên trần gian này, bông hồng thì dễ thương, nhưng đầy
kiêu căng và ngớ ngẩn. Thế rồi khi cậu quyết định lang thang sang các tinh cầu
khác, bông hồng mới ngậm ngùi xin lỗi cậu. Câu đã tới sáu hành tinh trước khi tới
địa cầu, mỗi hành tinh là một người ngự trị: Một vị vua không có thần dân, một
kẻ khoác lác, một tên bợm nhậu, một doanh nhân chỉ ưa vơ vét, một người thắp
đèn trên một hành tinh nhỏ đến nỗi một ngày chỉ dài bằng một phút, và một nhà địa
lý lớn tuổi nhưng chưa bao giờ đi bất cứ nơi đâu để kiểm chứng những gì ông viết
xuống. Và rồi cậu bé tới địa cầu, gặp nhà văn rơi phi cơ nơi sa mạc. Truyện khởi
đầu như thế, rồi từ đây càng lúc càng thơ mộng và lôi cuốn. Truyện này trong mặc
định đã có tư tưởng Phật giáo, vì hầu hết các tôn giáo khác nói rằng cõi người
trên địa cầu là duy nhất và độc đáo.
 
Từng
theo học Phật giáo và ngôn ngữ Tây Tạng khi còn niên thiếu, chàng nghệ sĩ có niềm
tin tôn giáo sâu sắc, đồng thời anh cũng là một Lạt ma, nói: “Trong hành trình
tâm linh bắt đầu từ khi còn trẻ, tôi đã tìm kiếm một thời gian dài để truyền tải
các giá trị Phật giáo, mà tôi cho là phổ quát, mà không cần đề cập đến tôn
giáo. Bí quyết thành công của Hoàng Tử Bé là mọi người không phân biệt tuổi
tác, truyền thống, tôn giáo, quê hương, văn hóa hay trình độ học vấn đều có thể
hiểu được nhờ ngôn ngữ rất đơn giản. Ngày nay, trong thời điểm gặp khó khăn bởi
bạo lực và chiến tranh do phân biệt chủng tộc, kỳ thị và bất khoan dung, việc
trưng bày các triển lãm nghệ thuật lấy cảm hứng từ cuốn sách là một cách đặc biệt
và bổ ích để truyền tải thông điệp mà tác giả đã để lại cho nhân loại.”
 
Không
gian triển lãm Hoàng Tử Bé.
Nazare-Aga
làm việc tại một xưởng điêu khắc bốn tầng rộng 1.000 m2, PAJ’Art Studio, ở phía
Bắc Bangkok và một nhóm gồm 25 người, một nửa trong số họ là người Thái và phần
còn lại là người Miến Điện gốc Karen. Anh đã thuê gần như tất cả nhân viên
ngoài đường phố và đào tạo họ từ đầu về các phương pháp nghệ thuật khác nhau mà
giờ đây họ đã trở thành chuyên gia: làm khuôn, sơn, chà nhám và đánh bóng. Nổi
tiếng với các tác phẩm điêu khắc sumo, hà mã và nữ thần vui nhộn, màu sắc rực rỡ
và khêu gợi, mang lại niềm vui trẻ thơ cho người xem, anh từng tổ chức triển
lãm Hippop’Art tại Swissotel ở Bangkok, nơi hơn 40 con hà mã chiếm trọn khu vườn
và tiền sảnh của khách sạn. Các dự án tiếp theo là cá voi khổng lồ từ bộ sưu tập
Whale’Pop – dài tới 2 m và cao 1,20 m – và khỉ đột từ bộ sưu tập Goril’Pop.
Nazare-Aga nhận xét, “Tất cả những sáng tạo mới phải là một thách thức mới về mặt
kỹ thuật, đôi khi mang tính nghệ thuật. Tôi thích thêm sự hài hước và bất ngờ.
Tôi thích làm việc với sự cân bằng, ấn tượng về trọng lượng và ánh sáng, đó là
yếu tố thiết yếu của công việc. Các bề mặt được bao phủ bởi nhiều lớp sơn mài
liên tiếp và được đánh bóng ở c
ác giai đoạn khác nhau là nơi chứa ánh sáng giúp
tăng mật độ và độ sống động của màu sắc.”

Các tác phẩm khác của
Arnaud Nazare-Aga.
 
Sinh
năm 1965 tại Paris, Nazare-Aga học điêu khắc từ một nhà điêu khắc mù từ năm 13
tuổi, nhưng mơ ước trở thành phi công chiến đấu vì anh có cha dượng là sĩ quan
quân đội, người điều hành một cơ xưởng kỹ thuật quân sự. Việc phát hiện ra dị tật
thị giác ở mắt trái đã tiêu tan giấc mơ của anh và năm sau đó, anh rời nhà để
vào một tu viện Phật giáo Tây Tạng ở Burgundy, nơi anh đã ở đó 13 năm. Trong thời
gian ở đó, anh được giao thêm công việc chế tạo các điêu khắc nhỏ để xây dựng
ngôi đền Himalaya đầu tiên ở phương Tây, vì vậy anh đã học cách đúc khuôn, lắp
ráp và sản xuất các yếu tố kiến trúc điêu khắc từ các thợ thủ công giàu kinh
nghiệm ở Paris cũng như các nghệ thuật truyền thống của châu Á. Công việc của
anh tại ngôi chùa kéo dài sáu năm, trong đó anh tìm học chuyên môn của các nghệ
sĩ người Bhutan, những người đã tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét sơn
trên các công trình kiến trúc mà anh xây dựng bằng phương pháp của Pháp. Sau
khi rời tu viện, anh thấy khó đạt được điều gì lớn lao hơn chùa nên đã chuyển
sang làm nghề khác, chưa bao giờ nghĩ đến việc theo đuổi nghệ thuật.
 
Bước
ngoặt đến là năm 2010, như Nazare-Aga nhớ lại, “Chỉ ở tuổi 45, tôi mới nhận thức
được tầm quan trọng của việc tạo ra những tác phẩm điêu khắc đẹp trong cuộc đời
mình và tôi phải tiếp tục hoạt động này. Tôi tự nhủ nếu không làm bây giờ thì
sau này tôi sẽ không còn sức lực và can đảm để làm. Tôi có một mong muốn sâu sắc
là được tìm lại chính mình trong một cơ xưởng với cơ hội sáng tạo nghệ thuật mỗi
ngày.”
 
Ban
đầu, anh làm việc trong lĩnh vực đắp giấy bồi làm tượng (papier-mâché) được sơn
và đánh vecni trước khi chuyển sang làm bằng nhựa thông. Hình dạng vui tươi,
tròn trịa, mượt mà, gợi cảm, hài hòa và quá khổ, với tầm quan trọng lớn được đặt
vào sức hấp dẫn thị giác và xúc giác của tác phẩm, xuất phát từ kinh nghiệm làm
việc với vật liệu và cảm giác mà chúng có thể gợi lên thông qua thị giác và xúc
giác. Cuối cùng, các tác phẩm điêu khắc của anh không chỉ phản ánh khả năng cảm
thụ nghệ thuật mà còn phản ánh sự gắn bó thơ mộng của anh đối với nhân loại.
 
Nazare-Aga
tiết lộ khi mô tả vai trò của nghệ sĩ: “Mục đích công việc của chúng tôi là làm
cho mọi người hạnh phúc thông qua thị giác và xúc giác ít nhất trong chốc lát,
giống như chúng tôi đang tạo ra hoặc trình bày tác phẩm của mình. Không biết bạn
có thể nói tôi là một nghệ sĩ hay một nghệ nhân hết lòng yêu nghề. Tôi nghĩ rằng
các nghệ nhân rất gắn bó với chất lượng của một tác phẩm hơn là khía cạnh nghệ
thuật của nó. Bằng cách này, tôi là một nghệ nhân, nhưng khi tác phẩm được hoàn
thiện, đôi khi nó sẽ trao ra năng lượng một cách tự nhiên, điều này mang lại
cho nó một chiều hướng nghệ thuật. Một số người coi tôi là một nghệ sĩ nên tôi
có trách nhiệm với xã hội để đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.
Nghệ thuật đôi khi cũng có thể mang lại nhiều hạnh phúc và an lạc. Trong mọi
trường hợp, đối với nàng Adeline và tôi, mục tiêu của chúng tôi là đóng góp những
sáng tạo của mình nhằm cải thiện xã hội và hòa hợp giữa mọi người. Chúng tôi
thường tham gia các sự kiện từ thiện để quyên góp tiền giúp đỡ những hoàn cảnh
khó khăn. Nhiệm vụ của các nghệ sĩ là quyên góp vì chúng tôi có quyền cung cấp
những viện trợ quan trọng thông qua những sáng tạo của mình.”
 
Arnaud
kể với đài Thai PBS World về thời mới lớn có vẻ như tiền định của anh, rằng khi
còn trẻ, Arnaud không đi theo con đường điển hình của hầu hết thanh thiếu niên,
chẳng hạn như đi học. Thay vào đó, năm 14 tuổi, anh đến chùa Phật giáo Tây Tạng
ở Burgundy, nằm ở phía đông miền trung nước Pháp và ở đó cho đến năm 28 tuổi.
Trong thời gian đó, anh được các nghệ sĩ Bhutan và Tây Tạng đào tạo nghệ thuật
trong khi đi sâu vào nghiên cứu Phật pháp, dẫn tới niềm tin sâu vào luật nhân
quả.
 
Arnaud
nói với thông tấn Thái Lan này: “Khi còn trẻ, bạn thường cảm nhận được sự bất
công trên thế giới, mọi thứ dường như thật bất công. Một số người sinh ra đã có
đặc quyền, trong khi những người khác phải đối mặt với nghèo đói cùng cực và những
thách thức to lớn. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu biết sâu sắc về nghiệp báo, bạn sẽ
nhận ra rằng các sự kiện xảy ra là kết quả của hành động trong đời người.”
 
Anh
coi nghiệp báo như một quy luật nhân quả, tin rằng cuộc sống không thể được coi
là sự bắt đầu và kết thúc đơn giản. Anh dần dần tin rằng những gì con người làm
hôm nay sẽ gây ra hậu quả, có lẽ không phải ở đời này mà ở những đời sau. Mỗi
hành động của một người trong cuộc đời này đều mang lại hậu quả, và người ta
đang sống với kết quả của những hành động mình đã làm trong quá khứ.
 
Hơn
nữa, hiểu biết về nghiệp có thể mang lại sự an tâm. Arnaud nói rằng tin vào
nhân quả là đánh dấu sự khởi đầu tìm thấy bình an trong mọi hoàn cảnh bất công:
“Ngay cả khi bạn vào tù vì điều gì đó mà bạn không làm, nếu bạn không tin vào
nghiệp quả thì đó là nguồn gốc của đau khổ. Tuy nhiên, nếu bạn tin vào nghiệp
quả, bạn có thể cảm thấy như mình đang trả nợ cho điều gì đó bạn đã làm trong
quá khứ, ngay cả khi bạn không biết đó là gì. Vì vậy, bạn chấp nhận nó và nỗi
đau sẽ nguôi ngoai.”
PTH 














































































































Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đánh giá dịch vụ nâng cao DR chất lượng, cam kết hiệu quả tại TPHCM

PHẦN III: CẢM NHẬN NHÂN ĐỌC KÝ ỨC CỦA LOÀI BÒ SÁT CỦA NHÀ VĂN TRỊNH Y THƯ

NHỮNG ĐOẠN TÌNH RỜI NGŨ NGÔN